Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Liên Hợp Quốc chấm dứt sứ mệnh quân sự ở Libya


Liên Hợp Quốc chấm dứt sứ mệnh quân sự ở Libya

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa bỏ phiếu thông qua quyết định chấm dứt chiến dịch quân sự của NATO tại Libya.

Người dân Libya ăn mừng chiến thắng tại Sirte, kết thúc cuộc chiến tại Libya hôm 20/10. Ảnh: AFP
Hôm qua, các nước thành viên của Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết về chấm dứt chiến dịch quân sự của NATO vào 23h59 giờ Libya, ngày 31/10 tới.
Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc chính phủ lâm thời của Libya kêu gọi NATO kéo dài sứ mệnh này đến cuối năm. Giới chức Libya lo ngại rằng lực lượng trung thành với Gadhafi có thể sẽ tiếp tục gây khó khăn.
Hội đồng Bảo an tuyên bố rằng nhiệm vụ bảo vệ dân thường Libya đã hoàn thành và nếu muốn có bất kỳ sự hỗ trợ an ninh nào thêm thì cần phải tổ chức thảo luận riêng. Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, cho biết ông không mong đợi NATO can thiệp vào Libya thời hậu chiến.
"Nếu được yêu cầu, chúng tôi có thể trợ giúp chính phủ mới Libya trong việc chuyển đổi sang thể chế dân chủ, ví dụ về cải cách quốc phòng và an ninh", BBCdẫn lời ông.
Hồi tháng 3, Hội đồng quyết định trao quyền cho NATO thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Libya, sau khi cố lãnh đạo Moammar Gadhafi đàn áp đẫm máu những người biểu tình chống chính phủ. Trên danh nghĩa, NATO chỉ có nhiệm vụ bảo vệ dân thường, nhưng nếu liên minh quân sự này không trợ giúp các cuộc không kích thì lực lượng nổi dậy có thể đã thất bại trên chiến trường. Một số quốc gia như Nga và Trung Quốc không tham gia vào sứ mệnh của NATO và cho rằng liên minh này đã đi quá trách nhiệm của mình.
Trong suốt chiến dịch 7 tháng tại Libya, NATO đã thực hiện khoảng 26.000 vụ tấn công và gần 10.000 cuộc không kích. Sự trợ giúp quân sự này có vai trò quan trọng trong việc lật đổ cố lãnh đạo Gadhafi, dẫn đến việc ông bị bắn chết hồi tuần trước và chính phủ lâm thời Libya chính thức tuyên bố giải phóng.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Susan Rice, nói rằng sự can thiệp quân sự này là một chương đáng tự hào trong lịch sử của Hội đồng Bảo an. Ngoại trưởng Anh William Hague thì hoan nghênh quyết định là một dấu mốc lịch sử hướng đến một tương lai hòa bình và dân chủ cho Libya.
Trong khi đó, một quan chức Libya hôm qua cho hay, do lo sợ bị bắt và giết tại Libya, Saif al-Islam - con trai thứ của Gadhafi, đang cố gắng thu xếp máy bay để ra khỏi nơi ẩn náu trên sa mạc và bay tới The Hague, Hà Lan, để đầu thú trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
"Ông ta đã liên hệ với Mali và với Nam Phi cùng một nước láng giềng khác để sắp xếp lối thoát cho mình. Hiện ông ta vẫn đang đợi câu trả lời”, quan chức giấu tên cho hay.
Ngoài Saif al-Islam, ICC cũng đang cố gắng xác định vị trí ẩn náu của cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Abdullah al-Senussi. Ông này là một trong ba người bị ICC phát lệnh truy nã cùng hai cha con Gadhafi.
Trong khi đó, phó chủ tịch Hội đồng quốc gia chuyến tiếp (NTC), Abdel Hafiz Ghoga, nhấn mạnh Libya vẫn muốn tự xét xử các nghi phạm này.
“Nếu Abdullah al-Senussi và Saif al-Islam bị bắt ở Libya, họ sẽ bị xét xử dựa trên luật Libya. Nếu họ trốn và tới nước khác như Niger, họ sẽ phải đầu hàng trước ICC”, ông nói và cho biết thêm có thông tin Senussi cũng đã tới Niger.
Saif al-Islam muốn nộp mình cho ICC. Ảnh: AP
Ngoài ra, NTC cũng tuyên bố sẽ truy tố những người giết chết nhà lãnh đạo bị lật đổ Gadhafi, nếu kết quả điều tra cho thấy ông này chết sau khi bị bắt. Dù ông Gadhafi đã được mai táng hôm 25/10 nhưng cái chết của ông vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Theo ông Waheed Burshan, một thành viên của NTC, ông Gadhafi đã bị bắt và sau đó không lâu thì chết. Nhận định của ông Busan đối lập với báo cáo của Chủ tịch Ủy ban điều hành NTC Mahmoud Jibril cho rằng ông Gadhafi đã bị trúng đạn trong cuộc đấu súng giữa hai phe.
Phó Đại sứ Libya ở Liên Hợp Quốc Ibrahim Dadbashi thì nói rằng các tin tức ban đầu cho thấy không một binh sĩ nào thuộc NTC đã bắn ông Gadhafi sau khi ông bị bắt. Nhà lãnh đạo đã bị chảy máu ở bụng và đầu khi bị bắt và ông chết khi được đưa tới một bệnh viện ở Misrata.

Trước đó, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi mở cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của ông Gadhafi. Chính phủ nhiều nước và các tổ chức nhân quyền cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ này. Ông Gadhafi và con trai Mutassim thiệt mạng ngày 20/10 khi lực lượng của NTC giành quyền kiểm soát thành phố Sirte.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét